Điểm nhấn của Luật Nhà giáo là giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục
2025-05-06 07:56:00.0
Những chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo được đánh giá nâng cao vị thế nhà giáo. Ảnh: TTXVN
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, một số Đại biểu Quốc hội là nhà giáo rất quan tâm tới những chính sách mới của dự thảo Luật này.
Quan tâm tới thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa chia sẻ: Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Ví dụ, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo …
Vì vậy Đại biểu Trần Văn Thức hết sức đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương.
Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho ý kiến tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TH
Tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo. Bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Luật Nhà giáo sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Các chính sách trong dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chính sách này nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định chất lượng giáo dục”; kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập về chất lượng và hoạt động nghề nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn quản lý nhà giáo.
Một trong những điểm nhấn của của dự thảo Luật Nhà giáo là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Ngoài ra, theo dự thảo luật, các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành giáo dục. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật…
baotintuc.vn