Truy cập nội dung luôn

Tăng cường phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực dệt may

Ngành dệt may đang giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên, không chỉ đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng triệu lao động. Với mục tiêu đưa ngành dệt may trở thành lĩnh vực tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, hướng tới xây dựng ngành dệt may xanh, thông minh, hiệu quả và hội nhập sâu rộng.

Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại (TP. Sông Công) đang hướng dẫn sinh viên thiết kế mẫu trên máy tính

Ngành dệt may Việt Nam hiện nằm trong Top 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 10 tỷ USD, tổng kim ngạch năm 2024 đạt khoảng 44 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Toàn ngành có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động, với các thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.

Tại Thái Nguyên, ngành dệt may hiện có khoảng 40 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là lao động nữ, lao động nông thôn. Tuy nhiên, trình độ công nghệ còn hạn chế, khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng là những rào cản lớn cần được tháo gỡ.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may theo hướng tích hợp công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các thị trường xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đồng thời, tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nhất là trong các khu vực có lao động dồi dào.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG là một trong 11 doanh nghiệp đạt giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, Tạp chí điện tử VietTimes thực hiện

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất dệt may. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất thông minh, tự động hóa, sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, hướng đến nền sản xuất tuần hoàn và bền vững.

Sở Nội vụ tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dệt may tỉnh Thái Nguyên; mở các lớp đào tạo về kỹ thuật may tiên tiến, vận hành máy móc tự động, quản lý chất lượng ISO/WRAP; hợp tác với trường nghề, cao đẳng, đại học để thiết kế chương trình đào tạo "may xuất khẩu chuẩn quốc tế".

Đối với các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các công nghệ số như: Big Data, IoT, phần mềm quản lý kho, truy xuất nguồn gốc, hệ thống ERP, MES, tự động hóa vận hành bằng robot AGV… nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý vật tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng khả năng thích ứng với yêu cầu thị trường. UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp trong ngành chủ động đổi mới tư duy, tận dụng nền tảng số để chuyển đổi mô hình kinh doanh, kết nối hiệu quả với khách hàng qua thương mại điện tử, đồng thời quan tâm đến các tiêu chí xanh - bền vững trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Màn hình hiển thị báo cáo năng suất sản xuất của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG

Đặc biệt, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG tiếp tục tiên phong triển khai mô hình doanh nghiệp may mặc điển hình thực hiện số hóa, xanh hóa, tự động hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất nhằm tăng năng suất và hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng, theo hướng: Hoàn thiện, nâng cấp, triển khai rộng khắp Giải pháp công nghệ tre, là nền tảng số ngành may mặc do TNG nghiên cứu và phát triển; sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời áp mái ở các nhà xưởng; sử dụng các công nghệ 3D, metaverse trong thiết kế, trình diễn sản phẩm; sử dụng IoT, AI, robotics trong việc tự động hóa, thông minh hóa dây chuyền sản xuất. Đồng thời, đánh giá hiệu quả thông qua bộ chỉ số đánh giá cụ thể (thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm; năng suất lao động; tỷ lệ hàng lỗi; giảm giờ làm; tăng thu nhập; giảm chi phí sản xuất; kiểm soát tồn kho; giảm thiểu mẫu vật lý khi áp dụng 3D, metaverse so với cách thức thiết kế truyền thống; giảm điện năng, phát thải CO2…).

Sinh Kiên
thainguyen.gov.vn