Truy cập nội dung luôn

Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng

Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Người dân cần cảnh giác với hình thức giả danh cán bộ công an, ngân hàng, viễn thông để lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân

Theo ghi nhận từ lực lượng chức năng, thời gian qua, số vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng cả về số lượng, phạm vi và mức độ thiệt hại. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan công an, tòa án, điện lực, ngân hàng để yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã OTP; giả danh người thân để nhờ chuyển tiền; lừa đảo xin việc, xuất khẩu lao động, đầu tư, kinh doanh online; chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, Zalo để gửi link giả mạo hoặc dụ dỗ cài đặt ứng dụng mạo danh; lợi dụng học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục để thuê, mượn, mở tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, thuê bao di động…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 3/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến phòng ngừa loại tội phạm này.

Cán bộ Công an ghi lời khai đối với Mã Thị Yên, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Facebook (Ảnh tư liệu)

Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội được yêu cầu bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 và Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 03/4/2025; đồng thời tăng cường tuyên truyền trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa. Việc tuyên truyền cần được triển khai trên trang thông tin điện tử, bản tin chuyên ngành, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…) và các kênh truyền thông khác phù hợp, hiệu quả.

Các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh có trách nhiệm xây dựng tin, bài, video, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, không nhấp vào liên kết lạ, không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ; tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, tác hại của hành vi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng; đồng thời phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị chức năng để đưa tin kịp thời về kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng, nền tảng mạng xã hội và đội ngũ tuyên truyền viên. Nội dung tập trung vào việc cảnh báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng ngừa.

Hội nghị tuyên truyền Luật An ninh mạng và các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Việc đẩy mạnh tuyên truyền là giải pháp thiết thực, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra, bảo vệ tài sản, dữ liệu và an toàn của người dân trên không gian mạng.

Sinh Kiên
thainguyen.gov.vn