Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

BIẾN CHỦNG BA.5 VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

2022-06-30 16:34:00.0

BIẾN CHỦNG BA.5 VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

 

Biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta. Đây là thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều ngày 27/6 vừa qua.

Biến thể Omicron đã dẫn đến làn sóng Covid-19 gia tăng ở một số nước, đặc biệt, trước đây lưu hành chủ yếu 2 biến thể BA.1 và BA.2 thì đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Việt Nam cũng đã ghi nhận có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5 của Omicron. Các chuyên gia y tế nhận định, biến chủng mới sẽ có nguy cơ lấn át biến thể cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta trong thời gian tới, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 được phát hiện ở Nam Phi và đang khiến các chuyên gia y tế quan tâm bởi những đột biến gien của vi rút có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vắc xin hoặc do từng mắc Covid-19 trước đó.

Hiện thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực Châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến thể phổ biến nhưng chưa là biến thể cuối cùng. Vì thế, các nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm…

Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhẹ. Trong khi đó, tại Thái Nguyên, không ít người dân trong tỉnh có tâm lý chủ quan cho rằng dịch COVID-19 đã kết thúc hoặc mắc COVID-19 không đáng lo ngại (do đợt dịch vào đầu năm 2022 vừa qua ở Việt Nam hầu hết là mắc chủng Omicron với triệu chứng rất nhẹ) nên không duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch như khử khuẩn, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; chưa phối hợp tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại (mũi 3, mũi 4)…

Đã đến lúc, người dân Thái Nguyên cần có một cái nhìn đúng đắn về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới: cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao (như bệnh viện, chợ, siêu thị, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi tập trung đông người…), hạn chế hoặc không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Dịch COVID-19 vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào, đặc biệt nguy hiểm nếu là các biến chủng với khả năng lây nhiễm cao, có độc lực mạnh. Vì vậy, tiêm chủng các mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch vẫn là biện pháp kịp thời và tối ưu nhất giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Do đó, những người chưa tiêm văc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) thì nên đi tiêm ngay. Tiếp theo đó, những người cao tuổi, có bệnh nền, người có tình trạng suy giảm miễn dịch mức độ vừa và nặng (người đang điều trị ung thư tích cực, người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người được cấy ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm, người suy giảm miễn dịch nguyên phát, người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị, người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch liều cao), người có nguy cơ như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (công an, quân đội, giáo viên, người làm trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân lao động, người làm việc trong các khu công  nghiệp, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người… cũng cần nhanh chóng đi tiêm vắc-xin mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) để phòng bệnh trước nguy cơ dịch quay trở lại hoặc các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai. Nếu người dân không tiêm nhắc lại, miễn dịch đã được tạo ra do vắc-xin hoặc đã mắc bệnh trước đó bị giảm dần, nguy cơ mắc bệnh và trở nặng có thể xảy ra”.

Đối với nhóm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, cần được tiêm liều nhắc lại (mũi 3) như sau: Khoảng cách ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi 2). Đối với trường hợp đã mắc COVID-19: tiêm sau khi mắc bệnh 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.

Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: cần được tiêm đủ 02 mũi vắc xin để đảm bảo có miễn dịch đầy đủ. Sử dụng một trong hai loại vắc xin sau: vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Đối với các trường hợp đã mắc COVID -19: tiêm sau khi mắc bệnh 3 tháng.

Hiện tại, hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì tại các cơ sở y tế các tuyến, như các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và nhiều điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, nhà máy, trường học. Đặc biệt hiện nay, 9/9 huyện, thành đã thành lập Trung tâm tiêm chủng 24/7 để giúp người dân tiếp cận vắc xin một cách thuận lợi nhất. Bởi vậy, người dân Thái Nguyên khi đến lịch tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại có thể đến các cơ sở nói trên để được tiêm chủng đúng lịch.

SỞ Y TẾ THÁI NGUYÊN



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2983944